Những tâm tình trên đã diễn tả
niềm mong đợi, thao thức của dân Chúa về sự xuất hiện của đấng
cứu tinh, đấng đến để giải thoát dân Israel khỏi vòng nô lệ. Tuy
Chúa đã đến, đã giải thoát Israel và toàn nhân loại nhưng không
với ý nghĩa mà con người sắp đặt cho Ngài. Ngài đã đến để giải
thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để chuộc lại nhân
loại tội tình, và đem họ về làm con Thiên Chúa. Như vậy thì
chúng ta còn chờ đợi gì? Còn mong đợi gì? Bốn tuần lễ, bốn cây
nến Mùa Vọng đang nói gì với chúng ta?
Chúa đã đến. Ngài đã giáng trần
trong thân phận một hài nhi nhỏ bé tại đồng quê Belem hơn 2000
năm trước. Do đó, sự chờ mong bây giờ chỉ mang một ý nghĩa hoàn
toàn tâm linh, một ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về ơn giải thoát mà
Ngài đã thực hiện trong lần đến thứ nhất.
Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh năm đó
đã thực sự đi vào lòng tôi với những kỷ niệm khó quên. Nó gợi
lại trong tôi những thao thức, chờ mong không chỉ mỗi lần Giáng
Sinh về, mà còn suốt cả mọi ngày trong cuộc sống. Những tư tưởng
này tôi cảm nhận được từ bài suy niệm của Đức Giám Mục Bernard
Law, giám mục Springfield–Cape Girardeau, mà sau này là hồng y
Law, tổng giáo mục, tổng giáo phận Boston.
Mùa Đông năm ấy, năm 1975, một mùa
đông của miền Đông nước Mỹ thật rét buốt và buồn tẻ. Mang thân
phận xa quê hương, và những ngày đầu tiên sống trên một miền đất
xa lạ. Nhưng tâm hồn tôi cảm thấy ấm lại khi cùng với Đức Giám
Mục Law đi tìm cho mình một ý nghĩa mùa vọng tâm linh.
Theo lời giải thích của ngài, 4
tuần lễ Mùa Vọng, 4 cây nến Mùa Vọng tượng trưng cho 4 lần Chúa
đến mà mỗi người phải chuẩn bị và mong chờ. Nó không chỉ bao gồm
trong Mùa Giáng Sinh, mà toàn bộ đời sống tâm linh. Đó là sẵn
sàng đón tiếp Chúa trong đêm Giáng Sinh, qua các Bí Tích của Hội
Thánh, trong giờ chết, và ngày cánh chung của nhân loại.
1-Chúa đến trong đêm Giáng Sinh:
Ngài đã đến, và các thiên sứ đã loan báo tin vui này với các mục
đồng: “Đừng sợ. Này ta báo cho các ngươi một tin vui mà cũng là
tin vui cho toàn dân. Hôm nay trong thành Đavít, Đấng Cứu Thế đã
sinh ra cho các ngươi. Ngài là Đức Kitô, là Đức Chúa.” (Luca
2:10-11). Như vậy, mỗi lần Giáng Sinh về chỉ là dịp để chúng ta
ôn lại biến cố trọng đại này. Nhắc lại nó với lòng biết ơn.
2-Chúa đến qua các Bí Tích: Bẩy
phép Bí Tích do Chúa Giêsu thiết lập là những phương tiện để
Ngài gần gũi, để Ngài tiếp xúc với mỗi người trong cuộc sống. Nó
diễn tả đúng như lời Ngài đã mời gọi mỗi người chúng ta: “Như
Cha đã thương yêu Thầy, Thầy cũng thương yêu các con. Hãy ở lại
trong tình yêu của Thầy.” (Gioan 15:9)
-Bí Tích Thánh Tẩy: Chúa đến để tẩy
rửa, để gột sạch tội khiên, và để đón nhận chúng ta vào sống
trong Giáo Hội của Ngài. Qua Phép Thánh Tẩy, Ngài ban cho chúng
ta quyền làm con Thiên Chúa.
-Bí Tích Thêm Sức: Chúa đến để thêm
nghị lực, mặc cho chúng ta áo giáp nhân đức và trang bị để chúng
ta sẵn sàng chiến đấu với ma quỉ, thế gian và xác thịt. Ngài ban
cho chúng ta nguồn ơn thiêng của Chúa Thánh Thần.
-Bí Tích Thánh Thể: Trong Phép
Thánh Thể, Chúa biến thành của nuôi linh hồn. Ngài ngự vào linh
hồn chúng ta. Tan biến để biến đổi chúng ta thành Ngài. Ngài đến
và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
-Bí Tích Hòa Giải: Ngài đến để tha
thứ, để giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận những đứa con
hoang trở về.
-Bí Tích Xức Dầu: Ngài đến để chuẩn
bị đưa chúng ta về với Ngài, để : “Nếu Thầy đi và dọn chỗ cho
các con, thì Thầy sẽ đến để đón các con, để Thầy ở đâu, các con
cũng ở đó.” (Gioan 14:3)
-Bí Tích Truyền Chức: Ngài đến để
tuyển chọn và mời gọi chúng ta tham dự với thiên chức linh mục
đời đời của Ngài. Ngài dùng chúng ta để ban phát Thánh Thể, lời
ngài, và các bí tích.
-Bí Tích Hôn Phối: Ngài đến để mời
gọi chúng ta cộng tác vào việc sáng tạo của Ngài qua bí tích hôn
phối.
3-Chúa đến trong giờ chết: Trong
suốt cuộc hành trình dương thế, Chúa luôn luôn có mặt, và Ngài
luôn ở bên chúng ta mỗi khi chúng ta cần đến Ngài. Ngài không để
chúng ta một mình đi trên cuộc đời. Giờ lâm chung là giây phút
quyết định của một linh hồn, giữa Thiên Đàng và hỏa ngục, giữa
hạnh phúc đời đời và trầm luân muôn kiếp. Đây cũng là thời khắc
ma quỉ cố gắng rình rập và tìm cách bắt các linh hồn. Đó cũng là
giây phút mà Bí Tích Hòa Giải, Xức Dầu và Thánh Thể trở nên cần
thiết cho mỗi linh hồn để chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa đời
đời.
4-Chúa đến trong ngày cánh
chung: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin
hằng sống”. Đó là lời tuyên xưng mà chúng ta thường lập lại mỗi
ngày. Trong ngày Chúa đến lần này, Ngài sẽ phán xét kẻ sống và
kể chết. Phần thưởng đời sẽ trao tặng cho những người công
chính, và ngược lại, hình phạt đời đời sẽ thuộc về ma quỉ và
những kẻ thuộc về chúng.
Tóm lại, trong bốn ý nghĩa của việc
mong chờ Chúa đến, có hai lần ám chỉ chung cho số phận của loài
người là lần đến thứ nhất và lần sau cùng. Và hai trực tiếp gắn
liền với mỗi cá nhân, đó là lần đến qua bí tích Thánh Tẩy và các
Bí Tích.
Niềm mong đợi, vì thế, sẽ trở thành
một tâm lý sống tích cực của những ai tin vào Chúa. Chúng ta
mong chờ Chúa đến không chỉ qua một nghi thức tượng trưng của
Đêm Giáng Sinh, nhưng ý nghĩa Mùa Vọng phải là lẽ sống, niềm hy
vọng, cậy trông của mỗi người trong suốt mọi ngày trong cuộc
sống: “Lạy Chúa! Xin hãy đến”.